Đàm phán với EU Trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, 2016

Đầu năm 2014, Thủ tướng David Cameron công bố những yêu sách và mục tiêu đòi Liên hiệp Châu Âu cải tổ quan hệ với Liên hiệp Vương quốc Anh trong nỗ lực tái đàm phán về vai trò của Anh trong tương lai.[31] Những yêu sách này bao gồm:

  • tăng cường kiểm soát nhập cư vào Anh, đặc biệt với các nước thành viên EU mới;
  • áp dụng rào cản cao hơn với công dân các nước thành viên EU hiện tại;
  • tăng thêm thẩm quyền cho phép quốc hội các nước thành viên phủ quyết dự luật EU;
  • ký kết hiệp định thương mại tự do mới và tiết giảm bộ máy quan liêu cho thương mại;
  • giảm bớt ảnh hưởng của Toà án Nhân quyền châu Âu đối với toà án và cảnh sát Anh;
  • trao nhiều quyền lực cho các nước thành viên và giảm bớt quyền lực của chính quyền trung ương EU;
  • và từ bỏ mục tiêu hướng tới một 'liên minh thắt chặn' hơn nữa.[31]

Ngày 10 tháng 11 năm 2015, ông lại bổ sung và nói rõ hơn các mục tiêu trên trong lá thư gửi đến Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk.[32] Theo đó, hai bên cần thương lượng bốn điểm chính là:

  • về quản lý kinh tế, EU cần thừa nhận chính thức rằng luật của Eurozone không nhất thiết phải áp dụng trên các nước không thuộc Eurozone, và các nước đó không có nghĩa vụ phải cứu trợ các nền kinh tế thuộc Eurozone đang gặp khó khăn;
  • về cạnh tranh, EU phải mở rộng thị trường chung và cắt giảm quan liêu giấy tờ trong bộ máy EU;
  • về chủ quyền, không đặt đặt Anh vào ‘liên minh thắt chặt’ dẫn tới một thực thể chính trị bao trùm EU, và tăng quyền cho các nghị viện quốc gia để phủ quyết các luật của EU;
  • và về nhập cư, hạn chế không cho công dân EU mới nhập cư vào Anh nhận các khoản trợ cấp việc làm, cho đến khi họ đã làm việc ở Anh từ 4 năm trở lên.[32][33]

Bản kiến nghị đã gửi tới lãnh đạo châu Âu và 27 nước thành viên còn lại của EU.

Ngày 2 tháng 2, Hội đồng châu Âu đã công bố bản thảo kế hoạch cải tổ châu Âu. Nội dung bản thảo gồm các điều khoản thuận theo đòi hỏi của nước Anh và được xem là một sự nhượng bộ của các nước châu Âu đối với nước Anh. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều khúc mắc và bất động giữa các nước thành viên EU với Anh liên quan đến những điều khoản cụ thể trong bản thảo.

Vòng đàm phán cuối cùng

Hội nghị Thượng định châu Âu trong hai ngày 18 và 19 tháng 2 năm 2016 tại Bruxelles, Bỉ diễn ra trong không khí căng thẳng, vì đây là cơ hội cuối cùng để quyết định nước Anh nên đi hay nên ở. Phát biểu với báo giới trước thềm hội nghị, thủ tướng Bỉ Charles Michel cho biết việc đạt được thỏa thuận giữ Anh ở lại trong EU là rất điều quan trọng, song thỏa thuận này không phải là cái giá để phá vỡ dự án châu Âu.[34]

Kết thúc đàm phán, các nước thành viên EU và Anh tuyên bố đã đạt được các thoả thuận mới bao gồm:

  • Cắt giảm lợi ích cho con cái những người di cư EU sống ở nước ngoài - áp dụng ngay lập tức cho những người mới đến và từ năm 2020 cho 34.000 người đang nộp đơn
  • Sửa đổi các hiệp ước EU để Anh ‘được miễn trừ’ đối với điều khoản xây dựng một liên minh ngày càng chặt chẽ hơn
  • "Dừng khẩn cấp" về quyền lợi của lao động nhập cư sẽ áp dụng trong bảy năm - ít hơn so với 13 năm mà Thủ tướng Anh đề xuất ban đầu
  • Khả năng cho Anh Quốc ban hành biện pháp khẩn cấp để bảo vệ khu tài chính của London, City of London.[35][36]

Thủ tướng Cameron tuyên bố thoả thuận vừa đạt được sẽ cho Anh "vị thế đặc biệt" và ông sẽ vận động với "tất cả trái tim và tâm hồn" để ở lại liên minh. Trong thông điệp gửi cho người dân Anh, ông khẳng định hẳng định rằng nước Anh "sẽ mạnh hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn trong một EU được cải cách".[36] Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, ông Donald Tusk bày tỏ tin tưởng sâu sắc rằng: "Anh cần EU và EU cũng cần Anh". Còn ông Jean-Claude Junker, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu đánh giá thoả thuận này công bằng cho cả Anh và các thành viên khác.[37]

Theo báo the Guardian lấy từ nguồn của các thành viên chính phủ, Vương quốc Anh có lẽ sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc ở lại EU vào năm 2016, để tránh trùng vào với những cuộc bầu cử lớn ở Đức và Pháp. London cho là với chiến thắng của thủ tướng David Cameron trong cuộc bầu cử vừa qua, các quốc gia trong khối EU sẽ sẵn sàng hơn để bàn thảo về việc cải tổ EU. Những đề tài tranh cãi sẽ là những điều luật về di cư qua lại giữa các nước EU cần phải khó khăn hơn. Cameron muốn giới hạn tiền trợ cấp xã hội cho công dân các nước EU khác. Ngoài ra ông ta còn đòi hỏi, quốc hội các quốc gia phải được nhiều quyền hạn hơn, để mà có thể ngăn cản luật lệ được EU ban hành.[38].

Tổng giám đốc ngân hàng trung ương Anh quốc, Mark Carney nói chuyện với đài BBC vào ngày 14.5.2015, đòi chính phủ Anh cho biết rõ ràng về cuộc trưng cầu dân ý EU sắp tới. Việc Vương quốc Anh thuộc thị trường chung EU là một lợi điểm rất lớn của nước Anh. Liên minh châu Âu không chỉ là khối đầu tư nhiều nhất vào Anh quốc, mà còn là khối kinh tế lớn nhất thế giới. Cho nên mọi người cần biết về thời điểm, câu hỏi chính xác và kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.[39]

Trước cuộc bỏ phiếu

Ngày 20 tháng 2 năm 2016, Thủ tướng Cameron nói nước Anh sẽ bỏ phiếu quyết định việc có ở lại trong EU nữa hay không vào thứ Năm ngày 23 tháng 6 tới đây.[40]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, 2016 http://www.bbc.com/news/politics/eu_referendum/res... http://www.bbc.com/news/uk-politics-26538420 http://www.bbc.com/news/uk-politics-34779250 http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2016/06/160627... http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/11/151110... http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/02/160220... http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/02/160221... http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/06/160624... http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/06/160625... http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/06/160626...